Tin tức
Thu tiền dịch vụ môi trường rừng cả nước năm 2018 đạt hơn 2.900 tỷ đồng

Ngày 22 tháng 01 năm 2019, tại Hà Nội, phiên họp Hội đồng quản lý Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam (Quỹ Trung ương) lần 1/2019 đã diễn ra nhằm tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện hoạt động năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019. Thứ trưởng thường trực, chủ tịch hội đồng quản lý Quỹ Hà Công Tuấn chủ trì cuộc họp.



 

Buổi họp có sự tham dự của các thành viên trong hội đồng quản lý, ban kiểm soát và ban điều hành Quỹ.

 

 

Theo báo cáo của ban điều hành Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam, đến hết ngày 31/12/2018, cả nước đã thu được 2.937,9 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), tăng 71% so với năm 2017, chủ yếu do có sự điều chỉnh giá điện từ 20 đồng/kWh điện lên 36 đồng/kWh điện theo quy định tại Nghị định số 147/2016/NĐ-CP.

Đến 30/4/2018, có 5,986 triệu ha rừng đang được quản lý, bảo vệ bằng nguồn tiền DVMTR (chiếm 42% tổng diện tích rừng toàn quốc). Tiền DVMTR đã giúp 450.108 hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số gia tăng thu nhập, góp phần cải thiện sinh kế, ổn định xã hội và đảm bảo an ninh biên giới, an ninh nông nghiệp quốc gia.

Ngày 16/11/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp (Nghị định số 156), hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019 đã góp phần hoàn thiện, thống nhất hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về nội dung DVMTR và Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng; đặc biệt đã thể chế, áp dụng rộng rãi trên phạm vi cả nước 02 loại DVMTR mới đối với cơ sở sản xuất công nghiệp và nuôi trồng thủy sản, góp phần giúp gia tăng nguồn thu tiền DVMTR trong năm tới.

Trong năm qua, việc thí điểm cũng như định hướng nhân rộng trên cả nước về trả tiền DVMTR qua tài khoản ngân hàng/giao dịch điện tử, không dùng tiền mặt cho các chủ rừng, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn được thúc đẩy mạnh mẽ, đảm bảo tính công khai, minh bạch, an toàn.

Ngoài ra, hoạt động nghiên cứu thí điểm chi trả DVMTR đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng tại Thanh Hóa, Quảng Ninh, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế đã có những ghi nhận bước đầu.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện chính sách còn gặp phải một số tồn tại như một số nhà máy thủy điện còn chậm nộp tiền DVMTR gây ảnh hưởng đến kế hoạch quản lý, bảo vệ rừng, công tác kiểm tra giám sát, giám sát chi trả DVMTR tại một số địa phương chưa được chú trọng, công tác báo cáo của địa phương còn yếu, chưa kịp thời.

Chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng thường trực, chủ tịch hội đồng quản lý Quỹ Hà Công Tuấn đánh giá cao những kết quả đạt được năm 2018 của ban điều hành Quỹ, trong năm tới, Quỹ Trung ương cần tiếp tục tập trung thực hiện một số nhiệm vụ như: đảm bảo thu đúng, thu đủ tiền DVMTR đặc biệt đối với 02 loại DVMTR mới được quy định trong Nghị định số 156; đôn đốc giải ngân tiền DVMTR kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng bằng hình thức không dùng tiền mặt, gia tăng tính minh bạch, an toàn trong hệ thống Quỹ; ngoài ra, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan tham mưu cho Tổng cục Lâm nghiệp trình Bộ NN&PTNT trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thí điểm chi trả DVMTR cho dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh gây phát thải khí nhà kính lớn theo quy định tại Luật Lâm nghiệp và Nghị định số 156 của Chính phủ.

Nguồn: BĐH VNFF